Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng âm hai tháng liên tiếp. Điều này gây áp lực mạnh mẽ tới mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% trong năm nay, đặc biệt là trong bối cảnh tổng cầu trong nước suy giảm, biến động chính sách tiền tệ nhiều khu vực và nền kinh tế lớn diễn biến phức tạp...
Để giảm bớt tác động tiêu cực, tại một hội nghị do Thủ tướng chủ trì tuần qua, rất nhiều doanh nghiệp mong muốn tỷ giá hối đoái, lãi suất ổn định và có thêm các chính sách hỗ trợ khác.
LÃI SUẤT CAO VÀ TỶ GIÁ BẤT ỔN BỦA VÂY CÁC "ÔNG LỚN"
Sau khi bứt tốc đầy bất ngờ trong tháng cuối năm 2023, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy hai tháng liên tiếp đầu năm 2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng âm, giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Dư nợ tại hầu hết các ngành kinh tế đều giảm, trừ lĩnh vực bất động sản.
Rất hiếm khi xảy ra tình trạng nghịch lý như hai tháng đầu năm, đó là ngân hàng thừa tiền nhưng khó cho vay, trong khi doanh nghiệp vẫn khát vốn.
Thực tế này có mặt ở mọi ngành, lĩnh vực và đặc biệt thu hút sự chú ý tại “Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô” do Thủ tướng Chính phủ chủ trì tuần qua.
Bày tỏ mong muốn được hỗ trợ lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất cho vay trung và dài hạn với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), cho biết hãng đang từng bước phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, đạt khoảng 80-90% năng lực sản xuất mức trước dịch, song lãi suất cho vay vừa qua vẫn cao và khó tiếp cận.
Vietnam Airlines cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước kéo dài gói tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng để có thời gian trả nợ; đồng thời, mong muốn các ngân hàng tăng hạn mức tín dụng.
Trong đề án tái cơ cấu, Vietnam Airlines đề xuất giải pháp tăng vốn điều lệ nên lãnh đạo tổng công ty mong muốn Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các định chế tài chính hỗ trợ hãng bay.
Ngoài ra, tỷ giá biến động cũng ảnh hưởng lớn đến hãng hàng không quốc gia. Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết khi tỷ giá tăng 1%, hãng sẽ mất tới 300 tỷ đồng, nếu biến động 5% thì chi phí phải gánh chịu 1.500 tỷ đồng/năm, do đó, ông Hòa mong muốn chính sách tỷ giá cần ổn định.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), cũng mong muốn sự hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng, đặc biệt là 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn có thể xem xét áp dụng nâng trần hạn mức cho vay từng trường hợp với các tập đoàn lớn, các dự án lớn.
Khi đó, các doanh nghiệp lớn, các dự án siêu lớn có thể tiếp cận nguồn tín dụng trong nước. Tính trong giai đoạn 2021-2025, PVN đặt kế hoạch huy động khoảng 250,3 nghìn tỷ đồng từ tín dụng để đầu tư phát triển.
Cũng theo ông Hùng, dư nợ tín dụng tại toàn tập đoàn lên đến khoảng 240.000 tỷ đồng. Nếu tăng lãi suất thì chi phí vốn của Tập đoàn sẽ tăng lên khoảng 2.400 tỷ đồng/năm. Hiện nay, PVN đang trong quá trình đàm phán với các ngân hàng để tái cấu trúc lại các khoản vay với chi phí vốn sử dụng bình quân thấp hơn, giúp chi phí sản xuất kinh doanh tối ưu hơn trong điều kiện thị trường còn nhiều khó khăn.
“Với độ nhạy của lãi suất lên chi phí sử dụng vốn của PVN, chúng tôi rất mong Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ chính sách về lãi suất tối ưu và ổn định, tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của tập đoàn nói riêng và các doanh nghiệp nói chung”, ông Hùng bày tỏ.
Về tỷ giá, lãnh đạo PVN thông tin dư nợ vay ngoại tệ của PVN hiện khoảng 38.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,55 tỷ USD, do đó, biến động và rủi ro tỷ giá ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn. Vì vậy, PVN rất mong mỏi trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ có các giải pháp để giảm rủi ro biến động của tỷ giá.
Nguồn: vneconomy.vn
Post a Comment